
Tư duy ngược là phương pháp tư duy ngược lại so với lối tư duy thông thường. Cụ thể, thay vì tìm giải pháp cho một vấn đề, người áp dụng tư duy ngược sẽ liệt kê các yếu tố khiến vấn đề không thể được cải thiện.
Chẳng hạn, nếu con muốn đạt kết quả tốt hơn trong học tập, thay vì đặt câu hỏi “Làm thế nào để học tốt hơn?”, con sẽ đặt câu hỏi “Làm thế nào để mình học kém đi?”. Những câu hỏi tư duy ngược này sẽ giúp con nhận diện tránh làm những việc dẫn đến kết quả học tập kém, từ đó tìm ra các phương pháp cải thiện việc học.
Tư duy ngược giúp con có được cái nhìn đa chiều về sự vật, sự việc, từ đó đưa đánh giá khách quan và tìm kiếm giải pháp tối ưu cho mỗi vấn đề. Trong học tập, tư duy ngược được áp dụng khá rộng rãi và mang lại tác động tích cực đến kết quả học tập của con. Tại RMIT, sinh viên được khuyến khích áp dụng cách tư duy này vào học tập, làm việc, giải trí, để luôn không ngừng sáng tạo, đổi mới những gì tưởng đã đi vào lối mòn.
Có những ứng dụng của tư duy ngược rất gần gũi, nhưng cũng có những ứng dụng hữu ích mà chưa nhiều sinh viên biết đến. Vì vậy, trong bài viết này, RMIT sẽ giới thiệu 3 ứng dụng phổ biến và hữu ích nhất của tư duy ngược để cha mẹ và con tham khảo. Hy vọng con sẽ áp dụng được phương pháp này một cách hiệu quả để đạt kết quả học tập như ý.
HỌC TỪ LỖI SAI
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của tư duy ngược là học từ lỗi sai – một phương pháp hữu ích và hiệu quả trong học tập, song không phải ai cũng làm được. Thông thường khi nhận điểm bài kiểm tra, phần lớn các con sẽ tập trung vào những điểm mình làm tốt hoặc được giáo viên khen ngợi. Nguyên nhân của thói quen này đến từ việc con thích cảm giác được khen, được thừa nhận bởi đó là thành quả của một quá trình nỗ lực. Ngược lại, con có xu hướng xem không kỹ những phần chưa tốt, bởi con có thể cảm thấy ngại đối diện với lỗi sai của mình. Thói quen này cần được thay đổi, vì chính việc phân tích và học từ những sai lầm mới là chìa khóa để con cải thiện và tiến bộ trong học tập.
Để học từ lỗi sai được hiệu quả, con cần trả lời đồng thời 2 câu hỏi: “Đáp án đúng cho lỗi sai đó là gì?”, và “Mình đã làm gì, làm như thế nào để dẫn đến lỗi sai đó?”.Trong đó, câu hỏi đầu tiên thường dễ trả lời hơn và được đặt ra phổ biến hơn. Tuy nhiên, câu hỏi thứ hai lại mang lại nhiều bài học giá trị hơn.
Khi con xem xét lại quá trình làm bài để tự đánh giá phương pháp và xác định nguyên nhân gốc rễ của lỗi sai, con sẽ hiểu rõ điều gì đã dẫn đến sai lầm. Điều này giúp con ghi nhớ lâu hơn và giảm khả năng lặp lại lỗi tương tự trong tương lai. Ngược lại, nếu con chỉ nhìn vào đáp án đúng mà bỏ qua việc tự phản ảnh, con sẽ không nắm được phương pháp cho ra đáp án đó, dẫn đến việc có thể gặp khó khăn khi đối mặt với vấn đề tương tự về sau.
ĐẶT CÂU HỎI NGƯỢC CHO MỖI VẤN ĐỀ
Đặt câu hỏi ngược là phương pháp giúp con nhìn nhận vấn đề hoặc hiện tượng từ hai góc độ khác nhau, nhằm hiểu rõ bản chất và đưa ra đánh giá khách quan nhất. Thông thường, để tìm lời giải cho một sự việc đã xảy ra, câu hỏi thường được đưa ra là: “Tại sao sự việc đó lại diễn ra như vậy?”. Đây là một câu hỏi xuôi, giúp con giải thích được những gì đã xảy ra và có thể quan sát được.
Tuy nhiên, để hiểu vấn đề một cách toàn diện, con cần đặt câu hỏi ngược lại: “Nếu sự việc diễn ra theo hướng khác thì kết quả sẽ như thế nào?”. Khi trả lời được cả hai câu hỏi này, con không chỉ giải thích được nguyên nhân và diễn biến của sự việc mà còn hình dung được cả những việc không xảy ra và hậu quả của nó. Điều này giúp lập luận của con trở nên chặt chẽ, sâu sắc và có sức thuyết phục cao.
Trong học tập, con có thể áp dụng phương pháp đặt câu hỏi ngược ở các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, con theo học chương trình Cử nhân Kinh doanh và đang cần phân tích về lý do hãng xe công nghệ Uber rút khỏi Việt Nam. Khi đó, con cần trả lời được hai câu hỏi: “Tại sao Uber rút lui khỏi thị trường Việt Nam”, và “Nếu Uber không rút lui khỏi thị trường Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra với thương hiệu này?. Những điều đó có phải là những điều Uber đã lường trước được, để dẫn đến quyết định ngừng hoạt động ở Việt Nam hay không?”.
Việc rèn luyện phương pháp này trong mỗi môn học sẽ giúp con hình thành tư duy phản biện, từ đó hiểu sâu sắc hơn các vấn đề. Tư duy phản biện (critical thinking) cũng là một kỹ năng quan trọng mà các nhà tuyển dụng hiện nay đánh giá cao ở ứng viên
PHẢN BIỆN CHÍNH MÌNH
Một ứng dụng phổ biến khác của tư duy ngược đó là tự phản biện chính mình. Phương pháp này có nét tương đồng với hành động tự phản ánh bản thân (self-reflection). Cả hai hành động này đều nhìn lại những gì mình đã làm để đánh giá độ hiệu quả và tính hợp lý của nó.
Tuy nhiên, phương pháp phản biện bản thân đòi hỏi sử dụng tư duy phản biện (critical thinking) ở mức cao hơn. Không chỉ đánh giá những việc bản thân đã thực hiện, người áp dụng phương pháp tự phản biện bản thân còn trả lời thêm câu hỏi: “Nếu mình làm ngược lại điều đã làm thì điều gì sẽ xảy ra, kết quả sẽ như thế nào?”. Câu hỏi này giúp người áp dụng xem xét vấn đề từ nhiều góc độ, đồng thời đánh giá những gì đã làm một cách khách quan và toàn diện hơn.
Khả năng tự phản biện bản thân cũng được áp dụng rộng rãi trong học tập, đặc biệt giúp con đưa ra được những quyết định chính xác hơn trong tương lai. Chẳng hạn, nếu con thường thức khuya làm bài và dậy muộn vào sáng hôm sau, con có thể sử dụng phương pháp tự phản biện để đánh giá thói quen này. Câu hỏi con cần trả lời là: “Nếu học sớm hơn, ngủ sớm hơn và dậy đúng giờ, liệu kết quả học tập của con có tốt lên hay không?. Nếu tốt lên hoặc không tốt hơn thì lý do cho việc này có thể là gì?”. Từ việc trả lời câu hỏi này, con sẽ rút ra được kết luận về cách học phù hợp nhất, cũng như hiểu rõ lý do cho sự phù hợp đó, từ đó điều chỉnh thói quen học tập hiệu quả hơn.
Nhà bác học Albert Einstein từng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cùng một cách tư duy mà chúng ta đã tạo ra nó”’. Vì vậy, việc áp dụng tư duy ngược so với lối tư duy thông thường không chỉ giúp con nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ mà còn mở ra những giải pháp sáng tạo và hiệu quả hơn. Nhờ đó, con có thể vượt qua các thách thức trong học tập và cải thiện kết quả của mình.
Hiền Nhi
Nội dung thực hiện theo ĐKKD của TGNNT
Bài viết liên quan
Bỏ túi 3 phương pháp để thời gian tự học của con đạt hiệu quả tối đa
Bạn cần biết: Con gặp thất bại, cha mẹ cần làm gì?
Chữ Tín: “Hàng hiệu” đắt giá mà con cần sở hữu
Titan đặt mục tiêu mở 10 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2025
RMIT thăng hạng vượt bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu
Tư vấn hay: Con thích làm việc với con người cần học ngành nào?
Góc nhìn hay: Kỷ luật – Con đường dẫn đến tự do và thành công
Marina Central Tower ra dáng biểu tượng mới của thành phố