
Ở bậc đại học hay bất kỳ cấp học nào, ngoài thời gian học tập trên lớp, việc tự học tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con ghi nhớ kiến thức được lâu hơn.
Khi học trên lớp, kiến thức mà con tiếp nhận từ giảng viên sẽ được lưu vào trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, thông tin trong bộ nhớ ngắn hạn sẽ nhanh chóng mất đi nếu con không củng cố và tái sử dụng nó. Vì vậy, thông tin đó cần được con chuyển sang bộ nhớ dài hạn bằng việc xem lại nội dung bài học ít nhất một lần tại nhà.
Việc tự học tại nhà, tuy tưởng chừng đơn giản nhưng lại là khó khăn với nhiều học sinh sinh viên, đặc biệt tại bậc đại học do khối lượng kiến thức lớn. Khi phải tiếp nhận và xử lý nhiều thông tin trong thời gian nhất định, con có thể bị bối rối và không biết bắt đầu từ đâu. Đặt trong bối cảnh con chỉ có một số lượng thời gian nhất định, nếu không có kế hoạch và phương pháp học tập phù hợp, việc tự học sẽ đem lại kết quả không cao. Do đó, trong bài viết này, RMIT đã tổng hợp lại 3 phương pháp tự học và sắp xếp thời gian tự học phổ biến trên thế giới. Các phương pháp này đã được xếp theo thứ tự mà con nên áp dụng khi tự học tại nhà.
PHƯƠNG PHÁP 1: TIME BLOCKING – LẬP KẾ HOẠCH THEO KHUNG THỜI GIAN
Phương pháp Lập kế hoạch theo khung thời gian là cách con tổ chức thời gian của mình thành các khung giờ cố định, trong đó mỗi khung giờ sẽ được dành riêng cho một hoạt động cụ thể. Ví dụ, con đang theo học chuyên ngành Digital Marketing với 2 môn: Tâm lý & Hành vị người tiêu dùng và Phát triển kinh doanh số, và có thời gian tự học buổi tối từ 20h đến 23h, con cần chia cụ thể khung thời gian cho từng môn học và tập trung hoàn toàn vào môn đó. Nếu môn “Tâm lý & Hành vi người tiêu dùng” có lượng kiến thức nhiều hoặc khó hơn, con có thể dành thời gian từ 20h-22h học môn này, và từ 22h-23h tập trung vào môn “Phát triển kinh doanh số”.
Mục đích chính của phương pháp này là giúp con tập trung hoàn toàn vào một môn học trong từng khung thời gian cụ thể. Việc xác định trọng tâm học tập tại mỗi thời điểm sẽ giúp con giảm bớt đi nhiều sự phân tâm, qua đó tăng năng suất và hiệu quả giờ học. Bên cạnh đó, việc đặt giới hạn thời gian rõ ràng cho từng môn còn tạo động lực để con hoàn thành công việc đúng kế hoạch, đồng thời giảm thiểu tối đa tình trạng xao nhãng và trì hoãn.
PHƯƠNG PHÁP 2: MICROLEARNING – HỌC TỪNG PHẦN NHỎ
Phương pháp Học từng phần nhỏ (Microlearning) là bước tiếp theo giúp con tối ưu hóa hiệu quả giờ tự học, sau khi đã xác định môn học cụ thể cho từng khung thời gian theo phương pháp 1. Mỗi môn học tại RMIT sẽ có nhiều học phần, và mỗi học phần sẽ có nhiều mảng kiến thức khác nhau. Do đó, phương pháp Microlearning sẽ giúp con chia bài học thành từng phần ngắn, giúp con hiểu rõ và nắm chắc bản chất của từng phần lý thuyết. Dựa trên độ khó và dung lượng từng mảng kiến thức, con có thể xác định thời gian phù hợp để hoàn thành từng phần, đảm bảo việc học diễn ra hiệu quả và không bị áp lực.
Tiếp nối ví dụ về môn Tâm lý & hành vi người tiêu dùng ở Phương pháp 1, sau khi xác định được thời gian tự học từ 20h-22h, con cần chia nhỏ bài học và ấn định thời gian cụ thể cho từng phần nhỏ đó. Chẳng hạn, nếu bài học là: “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng”, con có thể chia thành 2 phần nhỏ hơn gồm: “Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến quyết định mua hàng” và “Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến quyết định mua hàng”. Giả sử bài “Các yếu tố khách quan…” có nội dung dài và khó hơn, con có thể dành từ 20h-21h15 để học phần này. Tương tự, phần “Các yếu tố chủ quan…” sẽ học vào khung giờ 21h15-22h. Để đạt hiệu quả tối đa, con cần tuân thủ nghiêm túc kế hoạch và thời gian đã đề ra. Việc bám sát lộ trình học tập không chỉ giúp con nắm chắc kiến thức mà còn hình thành thói quen học tập khoa học và kỷ luật
PHƯƠNG PHÁP 3: PHƯƠNG PHÁP POMODORO – HỌC TẬP VÀ NGHỈ NGƠI XEN KẼ
Phương pháp quản lý thời gian Pomodoro được sáng tạo vào những năm 1980 bởi CEO người Italia – Francesco Cirillo. Đây là cách chia một khoảng thời gian làm việc dài thành những khung thời gian làm việc ngắn hơn (thường là 25 phút), xen giữa là các quãng nghỉ nhanh 5 phút. Mỗi một quãng học 25 phút được coi là 1 “Pomodoro”.
Phương pháp này dựa trên nghiên cứu cho rằng khi học tập trong một khoảng thời gian dài mà không có giờ nghỉ giải lao, bộ não của người học sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, làm giảm sự tập trung và hiệu quả công việc. Vì vậy, để việc tự học hiệu quả mà vẫn duy trì được sức khỏe, con có thể áp dụng phương pháp Pomodoro theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định cụ thể các công việc cần thực hiện. Con có thể áp dụng phương pháp 1 và 2 đã nêu ở trên để chia nhỏ các đầu việc cụ thể, hợp lý.
Bước 2: Đặt báo thức 25 phút cho mỗi một khung thời gian học tập. Con cần tập trung học xuyên suốt thời gian này, cho đến khi đồng hồ báo hết giờ.
Bước 3: Nghỉ giải lao 5 phút sau mỗi lần kết thúc 1 “Pomodoro”. Trong thời gian nghỉ giải lao, con có thể đi lại thư giãn, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử hay tiếp tục đọc bài. Điều này là cần thiết để bộ não của con có thể nghỉ ngơi một cách hoàn toàn, tái tạo lại sự tập trung cho các “Pomodoro” tiếp theo.
Bước 4: Sau khi thực hiện 4 “Pomodoro”, con có thể nghỉ một quãng dài hơn từ 15-20 phút tùy thể trạng của mỗi người.
Hy vọng rằng sau khi áp dụng lần lượt và thành công 3 phương pháp kể trên, con sẽ cải thiện được sự tập trung và hiệu quả trong những giờ tự học tại nhà. Chúc con luôn học tập tốt và đạt được mục tiêu mình đề ra.
Hiền Nhi
Nội dung thực hiện theo ĐKKD của TGNNT
Bài viết liên quan
Tư duy ngược – Chiếc chìa khóa đa nhiệm giúp con học tập tốt hơn
Bạn cần biết: Con gặp thất bại, cha mẹ cần làm gì?
YeaH1 tiến đến hành trình thăng cấp từ Premium show
LUNAS tung teaser MV đầu tay chỉ 20s để lại nhiều ngụ ý
Ca sĩ Hiền Hồ bất ngờ rao bán chiếc Mercedes G63 “đạp sóng rẽ gió”
Thuỵ Vân từng khóc giữa sân bay vì áp lực
Thủy Tiên giao 100 tấn thực phẩm của Hà Tĩnh đến người dân Sài Gòn
Thùy Tiên tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn